Cần xử lý nghiêm việc đấu giá rồi bỏ cọc

Vietstock - Cần xử lý nghiêm việc đấu giá rồi bỏ cọc

Các chuyên gia cho rằng cần có chế tài nghiêm hơn đối với các doanh nghiệp trả giá đấu thầu cao bất thường rồi bỏ cọc.

Ngày 13-11, một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Hà Nội cho biết sở này đang rà soát báo cáo UBND TP Hà Nội để thành phố tổng hợp, báo cáo Thủ tướng vụ đấu giá 3 mỏ cát trị giá gần 1.700 tỉ đồng. Hiện các doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện quy trình, nghĩa vụ tài chính sau đấu giá.

Có bỏ cọc?

Trước đó, Sở TN-MT Hà Nội tổ chức đấu giá thành công quyền khai thác 3 mỏ cát: Châu Sơn và Tây Đằng - Minh Châu (huyện Ba Vì), Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm). Hơn 70 tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá từ 9 giờ ngày 5 đến gần 6 giờ sáng 6-11.

Tổng số tiền giá khởi điểm chưa đến 24 tỉ đồng nhưng nhà đầu tư trúng đấu giá của 3 mỏ cát này là khoảng 1.684 tỉ đồng, đặt cọc khoảng 3,5 tỉ đồng. Lãnh đạo Sở TN-MT Hà Nội cho biết "quá bất ngờ" về kết quả đấu giá. Nhiều người cho rằng có bất thường vì các doanh nghiệp trả giá quá cao so giá khởi điểm.

Khu vực 1/3 mỏ cát vừa trúng đấu giá gần 1.700 tỉ đồng ở Hà Nội

Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VAMB), cho rằng thị trường bất động sản, thị trường xây dựng "đóng băng", nhu cầu vật liệu xây dựng cũng giảm mạnh nhưng đấu giá 3 mỏ cát lại đẩy giá lên cao như vậy là bất thường nên đề nghị cơ quan chức năng rà soát lại toàn bộ quá trình khảo sát, làm hồ sơ, tổ chức đấu giá... Đặc biệt, chú trọng công tác khảo sát đánh giá trữ lượng các mỏ cát xem có đúng khối lượng đưa ra đấu giá hay nhiều hơn.

Dư luận đặt vấn đề liệu các doanh nghiệp có trả đấu giá cao bất thường rồi bỏ cọc? Trưởng phòng TN-MT một huyện ở Hà Nội cho rằng trung bình giá cát từ hơn 500.000 đến hơn 800.000 đồng/m3 như vừa đấu giá là bất hợp lý. Có thể cơ quan định giá trữ lượng các mỏ này đánh giá sai, doanh nghiệp đánh giá lớn hơn nên họ bỏ số tiền lớn để đấu giá. Cũng không loại trừ khả năng trả giá cao vì mục đích khác, sau khi trả giá cao có thể bỏ cọc.

Năm 2021, vụ đấu giá mỏ cát sông Tiền ở tỉnh An Giang với mức trúng đấu giá hơn 2.811 tỉ đồng, sau đó doanh nghiệp trúng đấu giá hủy bỏ giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, kết quả đấu giá mỏ cát này cũng bị hủy bỏ. Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi đấu giá 12 mỏ cát, nhiều đơn vị tham gia đấu giá đã đẩy mức giá gấp hàng chục lần nhưng rồi cũng bỏ cọc.

Cuối năm 2021, Công ty Bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) cũng bỏ cọc mua bán quyền sử dụng lô đất số 3-12 tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP HCM) và bỏ số tiền cọc gần 600 tỉ đồng. Mới đây, một cá nhân trúng đấu giá biển số 51K-888.88 trên 32 tỉ đồng nhưng cũng không nộp tiền trúng đấu giá, chỉ mất tiền cọc 40 triệu đồng.

Cần chế tài nghiêm khắc hơn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết việc bỏ cọc như đã nêu là gây ảnh hưởng rất lớn, song theo quy định thì người bỏ cọc chỉ mất số tiền cọc chứ không có chế tài nào khác. Bà Yến đề nghị phải quy định các tài sản nhà nước quản lý thì khi đấu giá không được bỏ cọc. Nếu bỏ cọc thì cần bổ sung chế tài hành vi này. Cần có biện pháp phạt tiền gấp nhiều lần so với tiền cọc để tránh đấu giá thành công rồi bỏ cọc.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết khi thẩm tra Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) có ý kiến đề nghị quy định phạt trong trường hợp trúng đấu giá nhưng không mua tài sản, ví dụ phạt tiền bằng 50% giá mà người trúng đấu giá đã trả. Với giải pháp này, số tiền đặt trước có thể thấp nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá, song số tiền phạt vi phạm nghĩa vụ là lớn, sẽ ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ cọc, gây lũng đoạn thị trường.

Nêu thực tế nhiều người tham gia đấu giá nhưng mục đích của họ chưa hẳn là mua được tài sản đấu giá, đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải (TP HCM) cho rằng ngoài việc trả giá cao, họ còn có những mục đích khác, như: thao túng mặt bằng giá mới, phô trương thanh thế... Do đó, việc xem xét năng lực và mục đích của người đấu giá cần được làm chặt chẽ. Cùng với đó, cần quy định tiền đặt cọc trước đấu giá như thế nào để ràng buộc trách nhiệm của người tham gia đấu giá, để họ thấy nếu vi phạm thì bị mất tiền cọc và bị phạt hành chính.

Theo ông Hải, tăng tiền đặt cọc lên 10% để ngăn chặn việc sẵn sàng mất cọc để thực hiện mục đích khác là cần thiết. Tuy nhiên, để bảo đảm tính cạnh tranh, nên quy định rõ biên độ chênh lệch đặt cọc mức tối thiểu và mức tối đa, tùy theo giá trị, vị trí tài sản. Cần phạt tiền đối với người không chấp hành đúng pháp luật đấu giá, không vì mục đích mua được tài sản, họ sẽ mất tiền cọc và chịu thêm phạt hành chính. 

Ngăn chặn hành vi nhiễu loạn thị trường

Liên quan 3 vụ đấu giá mỏ cát mà dư luận xã hội quan tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở 3 mỏ cát trên, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm. Đồng thời, kịp thời phát hiện sớm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi; báo cáo Thủ tướng trước ngày 20-11-2023.

Bộ TN-MT được giao chủ trì, phối hợp các bộ: Tài chính, Xây dựng, Tư pháp và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng... đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường; đề xuất các giải pháp để hạn chế các tác động tiêu cực (nếu có)...

Bài và ảnh: Bạch Huy Thanh