Vietnam Airlines (HVN) đối diện nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc

Sau nhiều tháng trì hoãn, Vietnam Airlines (HN:HVN) đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, đánh dấu năm thứ 3 thua lỗ liên tiếp và đối diện nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc. Ngày 8/12, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã chứng khoán: HVN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, được kiểm toán bởi Deloitte Việt Nam.

Về kết quả kinh doanh, Vietnam Airlines ghi nhận mức doanh thu 70.792 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần cùng kỳ trong bối cảnh Việt Nam và thế giới mở cửa trở lại sau Covid-19. Mặc dù có doanh thu cao, doanh nghiệp này vẫn gánh chịu khoản lỗ lên tới 11.223 tỷ, cải thiện hơn 1 chút so với năm 2021 lỗ 13.279 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý là Vietnam Airlines liên tục kinh doanh dưới giá vốn. Năm 2021, giá vốn hàng bán cao hơn 35% doanh thu. Trong năm 2022, giá vốn hàng bán cao hơn 4% doanh thu. Tính thêm chi phí bán hàng, chi phí tài chính và chi phí quản lí doanh nghiệp rất lớn khiến hàng hàng không này có kết quả kinh doanh kém sắc.

Vietnam Airlines liên tục kinh doanh dưới giá vốn. Theo BCTC kiểm toán 2022

Về tài sản và nguồn vốn, Vietnam Airlines không có sự biến động nhiều trong cơ cấu tài sản doanh nghiệp, tổng tài sản duy trì quanh mức 60.000 tỷ trong 2 năm nay. Tuy nhiên vốn chủ sở hữu từ dương 526 tỷ năm 2021 chuyển sang âm 11.055 tỷ đồng vào năm 2022, nợ phải trả lên tới 71.691 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã đi vay thêm để duy trì quy mô tài sản.

Vietnam Airlines âm vốn chủ- Theo BCTC kiểm toán 2022

Giải trình kết quả kinh doanh, Tổng công ty Hàng không Việt Nam cho biết trong năm 2022 đã chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh covid và cải thiện kết quả SXKD và bổ sung nguồn vốn và dòng tiền cho doanh nghiệp. Tuy nhiên do thị trường vận chuyển quốc tế vẫn đang phục hồi chậm, cộng thêm các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột chiến tranh Nga- Ukraine và các rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất) gia tăng nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn bị thua lỗ cả năm 2022. Theo dự báo, thị trường quốc tế sẽ từng bước được phục hồi, hoạt động SXKD của doanh nghiệp cũng sẽ có kết quả tích cực hơn vào năm 2023.

Tuy dự báo là vậy, nhưng năm 2023 kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này cũng không khá khẩm hơn là mấy. Sau 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines báo lỗ ròng 3.534 tỷ đồng.

Thống kê lợi nhuận Vietnam Airlines giai đoạn 2019-2023

HVN đối diện nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc

Theo khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, cổ phiếu bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Như vậy, dựa theo báo cáo gần nhất, Vietnam Airlines đang âm vốn chủ sở hữu đồng thời thua lỗ 3 năm liên tiếp, hoàn toàn sẽ đối mặt nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc.

Được biết từ trước tới nay có nhiều doanh nghiệp rơi vào trường hợp tương tự và chưa từng có đặc cách.

Hãng này hàng không này đang niêm yết cổ phiếu HVN trên HoSE. Trước đó, HoSE đã từng lưu ý Vietnam Airlines về khả năng hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.

>> Nhận định chứng khoán 11-15/12: Các công ty chứng khoán đồng thuận cả xu hướng và điểm số