Hà Nội thu ngân sách hơn 405.000 tỷ đồng, tăng gần 24%

Vietstock - Hà Nội thu ngân sách hơn 405.000 tỷ đồng, tăng gần 24%

Ngay từ đầu năm 2023, liên ngành tài chính Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các các cấp, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu, tăng cường công tác thanh tra-kiểm tra, chống gian lận thuế.

Người dân đến làm thủ tục thuế tại Cục Thuế thành phố Hà Nội. (Nguồn: Vietnam+)

Theo Sở Tài chính thành phố Hà Nội, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tính đến 15h00 ngày 28/12 là 405.252 tỷ đồng, đạt 114,8% dự toán, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Chi ngân sách cùng thời điểm trên của toàn thành phố là 87.485 tỷ đồng, đạt 83,2% dự toán đầu năm, tăng 0,7%.

Đánh giá về việc kết quả thu ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết ngay từ đầu năm, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính và Ủy ban Nhân dân thành phố, liên ngành tài chính gồm: Cục Thuế, Cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý thu, tăng cường công tác thanh tra-kiểm tra, chống thất thu-chuyển giá-gian lận thuế để khai thác tăng thu.

Trong đó có việc liên ngành tài chính đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính thuế; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phục vụ người nộp thuế và tăng cường quản lý thuế theo phân tích rủi ro; công tác triển khai hóa đơn điện tử; công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Về việc kiểm soát chi ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính nhấn mạnh năm 2023 ngân sách của thành phố tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt, tiết kiệm, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp.

Trong năm, thành phố tập trung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển, ưu tiên nguồn lực cho các dự án trọng điểm như đường Vành đai 4, các dự án giao thông, các dự án thuộc kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực (y tế, di tích và giáo dục)... ; ngân sách các cấp chủ động tổ chức điều hành chi ngân sách theo dự toán ngân sách, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc.

Thành phố triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Trên thực tế nhìn nhận của một số chuyên gia, năm 2024 dự báo kinh tế của Thủ đô cũng như cả nước còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới, khu vực biến động không ngừng, ngày càng khó lường hơn khiến ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của các nhà đầu tư, doanh nghiệp...

Trong khi đó, dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố được giao là 408.547 tỷ đồng; dự toán chi ngân sách địa phương là 146.428,9 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn đối với thành phố Hà Nội năm 2024.

Theo ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, trong năm 2024, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm điều hành của Chính phủ, của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, trong quản lý, điều hành ngân sách nhằm phấn đấu hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu tài chính, ngân sách được giao của thành phố.

Ủy ban Nhân dân thành phố giao Cục Thuế, Cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát toàn bộ nguồn phát sinh thu, số thuế còn được gia hạn, nắm chắc đối tượng nộp ngân sách trên địa bàn, lĩnh vực để có giải pháp quản lý thu phù hợp, hiệu quả, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng như kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, dịch vụ giải trí, ăn uống, xăng dầu...

Đặc biệt, thành phố tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn trong việc đấu giá, giao đất, triển khai thực hiện dự án, để đẩy mạnh thu tiền sử dụng đất đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác vào ngân sách nhà nước.

Đôn đốc thu đối với số thuế được gia hạn đến hạn phải nộp vào ngân sách nhà nước. Đẩy nhanh công tác hoàn thuế, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng và theo đúng quy định.

Tăng cường công tác thanh tra thuế, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ khai thuế, hoàn thuế, phát hiện, xử lý kịp thời gian lận thuế, hóa đơn; các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn trong công tác quản lý thu, chống thất thu, hoàn tất các cuộc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu đầy đủ các khoản thu theo kết luận của thanh tra, kiểm toán vào ngân sách nhà nước, thu hồi nợ thuế.

Tăng cường phòng chống gian lận thương mại, chuyển giá, gian lận giá nhập khẩu và buôn lậu qua biên giới, nhất là các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, chuyển nhượng bất động sản, buôn lậu xăng dầu qua đường biển và qua biên giới...

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đề cập đến việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh góp phần tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.

Thành phố yêu cầu liên ngành tài chính đẩy mạnh chuyển đổi số, điện tử hóa, hiện đại hóa quản lý thu ở tất cả các khâu; tăng cường sự phối hợp các bộ, ngành và địa phương trong công tác kết nối, khai thác, đối chiếu chéo thông tin chống chuyển giá, trốn thuế, quản lý hiệu quả các nguồn thu phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh qua mạng và các loại hình dịch vụ, kinh tế ban đêm.

Thành phố cũng đề cao kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn kết quả giải ngân với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao./.