‘Đu đỉnh’ giá vàng 80 triệu/lượng, 3 ngày đem bán lỗ ngay hơn chục triệu

Giá vàng vẫn biến động khó lường khi tăng sốc rồi rớt mạnh. Những người “đu đỉnh” giá vàng 80 triệu đồng/lượng, 3 ngày sau đem bán có thể lỗ khoảng 10,5-12 triệu đồng mỗi lượng. Một tháng nay, giá vàng vào đà tăng mạnh, liên tục phá đỉnh lịch sử. Nhất là một tuần trở lại đây, giá kim loại quý này tăng như vũ bão, thiết lập mốc đỉnh lịch sử 80,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra vào hôm 27/12, sau đó rớt mạnh.

Ba ngày vừa qua, giá vàng thay đổi chóng mặt khi tăng tới 2-3 triệu đồng/lượng chỉ trong ít phút rồi lại “trở mặt” lao dốc.

Trong ngày 28/12, giá vàng 9999 của SJC tại Hà Nội ở mức 78,5-80,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và bán ra vào buổi sáng, đến đầu giờ chiều, giá vàng rớt còn 73-76,02 triệu đồng/lượng; tức giảm 5,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 4 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với thời điểm khoảng sau 1 giờ mở cửa phiên sáng.

Kết thúc ngày 28/12, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 74,5-77,52 triệu đồng/lượng.

Người dân chen chân đi mua bán vàng (Ảnh: Hoàng Hà)Sang ngày 29/12, giá vàng tiếp tục biến động dữ dội khi chênh lệnh giữa mỗi lần điều chỉnh từ 1-2 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng tại SJC chốt phiên ở mức 73-76 triệu đồng (mua vào - bán ra). So với kết phiên hôm trước, giá vàng miếng tại SJC giảm tới 1,5 triệu đồng/lượng mỗi chiều.

Sáng 30/12, trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ, giá vàng miếng SJC lao dốc không phanh, giảm tới 3,5 triệu đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán, còn 69,5-72,5 triệu đồng/lượng. Đến chiều cùng ngày, giá vàng hồi phục lên 71-74 triệu đồng/lượng.

Giá vàng "nhảy múa", "điên loạn", "tăng như vũ bão", "biến động dữ dội", "lao dốc không phanh",... là những cụm từ được nhiều người nhắc tới khi nói về thị trường vàng trong những ngày qua. Và trước sức nóng của vàng, hoạt động mua bán vẫn diễn ra sôi động.

Tại các cửa hàng vàng xuất hiện cảnh người dân chen chân đi bán vàng chốt lời. Song, cũng có người vác bao tải tiền, “ôm” cả vài tỷ đồng tới mua 30-50 lượng vàng miếng khi giá thiết lập mốc đỉnh lịch sử. Lượng người mua vài chỉ, vài lượng vàng những ngày qua tại các cửa hàng nhiều không đếm xuể.

Từ đầu năm đến hôm 27/12, giá vàng SJC đã tăng 13,3 triệu đồng/lượng, lên mức 80,3 triệu đồng/lượng. Song, chỉ 3 ngày trở lại đây, tính từ đỉnh 78,3-80,3 triệu đồng/lượng, giá vàng đã giảm 7,8 triệu đồng/lượng chiều bán ra, giảm mạnh 8,8 triệu đồng/lượng chiều mua vào.

Với những người mua vàng miếng lúc giá đỉnh 80 triệu đồng/lượng, nếu đem bán vào sáng 30/12 sẽ lỗ tới 10,5-12 triệu đồng mỗi lượng tuỳ thương hiệu.

Đáng chú ý, giá vàng lao dốc, mức chênh giữa giá mua và bán rộng được nới rộng. Tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), mức chênh giá mua và bán là 3 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, tại DOJI Hà Nội và Bảo Tín Minh Châu có mức chênh lần lượt là 6 triệu đồng và 2,9 triệu đồng/lượng.

Đây là mức chênh cao kỷ lục. Bởi, thời gian qua khi giá vàng biến động tăng giảm mạnh, mức chênh cao nhất giữa giá mua và bán chỉ khoảng 3 triệu đồng/lượng ở một thời điểm ngắn trong ngày. Còn thông thường, có mức chênh khoảng trên dưới 1 triệu đồng mỗi lượng.

Việc nhà buôn vàng nới rộng khoảng cách giá mua - bán và mức chênh này kéo dài từ ngày này qua ngày khác khi thị trường biến động mạnh nhằm giảm bớt rủi ro cho chính mình. Song, chênh lệch giá mua - bán lớn khiến người mua vàng chịu nhiều rủi ro.

Nếu "đu đỉnh" giá vàng 80 triệu đồng/lượng, nay đem bán sẽ lỗ nặng (Ảnh: Nguyễn Huế)Trước diễn biến khó lường của thị trường vàng quốc tế và trong nước, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân nên thận trọng trong giao dịch vàng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vàng cho rằng, giá vàng tăng sốc rồi rớt mạnh, không chỉ người dân mà ngay cả doanh nghiệp kinh doanh kim loại quý này cũng gặp rủi ro lớn vì chưa kịp đối ứng.

Theo vị này, ở nước ta ngoài những người đầu tư vàng dài hạn, người “lướt sóng” vàng thì còn rất nhiều người có thói quen mua vàng tích trữ. Trong khi, vàng trên thị trường khan hiếm nguồn cung vì 10 năm nay không sản xuất thêm, vàng SJC chỉ có trao đổi lẫn nhau trên thị trường.

Quy luật của thị trường, cung khan hiếm giá sẽ tăng, cung dồi dào giá sẽ ổn định. Thế nên, cần bỏ độc quyền vàng, cho nhập theo nhu cầu của thị trường để cân đối cung - cầu.

Để hạn chế sự chênh lệch, nhiều ý kiến cho rằng cần sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. Bởi nghị định này quy định Ngân hàng Nhà nước quản lý xuất nhập khẩu vàng miếng. Nhưng từ năm 2014, cơ quan này không cấp phép nhập khẩu vàng về để sản xuất vàng miếng.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, cũng khẳng định "cần bỏ độc quyền vàng". Khi đó, Ngân hàng Nhà nước có thể quản lý vàng thông qua các công ty được phép xuất nhập khẩu, hoặc có thể quản lý qua với tư cách là người mua bán cuối cùng trên thị trường vàng.

"Ngân hàng Nhà nước có thể mua vàng dự trữ và bán vàng dự trữ nhằm cân bằng thị trường, ổn định giá", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Trao đổi với báo chí ngày 29/12, ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho hay, mục tiêu xuyên suốt của Nghị định 24 là quản lý thị trường vàng nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; hạn chế tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế.

Ông Tuấn khẳng định, kể từ khi Nghị định 24 được ban hành, SJC không được sản xuất vàng miếng mà chỉ thực hiện gia công vàng miếng do NHNN thuê, dưới sự giám sát của NHNN.

Thời gian qua, NHNN đã lấy ý kiến các bộ, ngành chức năng có liên quan, hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia về báo cáo tổng kết, đánh giá nghị định 24.

Trong tháng 1/2024, NHNN sẽ trình báo cáo tổng kết nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.