Thách thức trong việc mở rộng thị trường công nghiệp ở châu Á Thái Bình Dương
Vietstock - Thách thức trong việc mở rộng thị trường công nghiệp ở châu Á Thái Bình Dương
Mặc dù có nhiều động lực tích cực đối với lĩnh vực hậu cần và công nghiệp ở châu Á Thái Bình Dương, nhưng thị trường này vẫn cần phải vượt qua một số thách thức chính.
Nguồn lao động
Theo báo cáo của Cushman & Wakefield (C&W) với việc là nhà sản xuất gần 15% lượng hàng xuất khẩu của thế giới, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc sở hữu lực lượng lao động lớn dành riêng cho lĩnh vực công nghiệp. Nói một cách đơn giản, 53% tổng số việc làm tại kho bãi ở châu Á Thái Bình Dương, khoảng 163 triệu nhân viên đều ở Trung Quốc. Khoảng cách rất rõ ràng với Ấn Độ chiếm 20% (60 triệu) và Indonesia 8% (25 triệu). Bất chấp tốc độ tăng trưởng mạnh ở hầu hết nước Đông Nam Á và Ấn Độ, lên tới 4% mỗi năm cho đến cuối thập kỷ này, tình hình được dự báo sẽ không thay đổi nhiều.
Ngoài ra còn có các sắc thái khác, ngoài kỹ năng của nguồn lao động, bao gồm các cấp độ tài năng khác nhau. Mặc dù điều này khó đo lường hơn nhiều, nhưng kinh nghiệm và sức mạnh lâu đời của Trung Quốc đại lục trong các lĩnh vực sản xuất và hậu cần sẽ khó có thể nhân rộng chỉ sau một đêm. Điều này cũng nêu bật nhu cầu thúc đẩy tăng năng suất, như đã nhấn mạnh ở trên, và nhanh chóng đầu tư vào cả việc xây dựng năng lực con người và tự động hóa.
Năng lực cảng
Tương tự như nguồn cung lao động, năng lực của cảng cũng cần được xem xét trong bất kỳ hoạt động mở rộng nào về hậu cần và công nghiệp trên toàn khu vực.
Nhìn chung, châu Á Thái Bình Dương chiếm khoảng 65% sản lượng cảng container trên thế giới. Trong bối cảnh đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi châu Á Thái Bình Dương có nhiều đại diện nổi bật trong số các cảng đông đúc nhất thế giới, chiếm 30 trong số 50 vị trí đầu. Tuy nhiên, ở mức độ chi tiết hơn, năng lực cảng tập trung nhiều ở các cảng của Trung Quốc đại lục, chiếm 4 trong số 5 vị trí hàng đầu và 7 trong số 10 vị trí hàng đầu. Singapore là thành phố duy nhất còn lại lọt vào top 5, trong khi Busan và Los Angeles lọt vào top 10.
Vấn đề trở nên rõ ràng hơn khi mức thông lượng TEU (20 đơn vị tương đương) được kiểm tra. Giới hạn phân tích ở 50 cảng hàng đầu, Trung Quốc đại lục chiếm 45% sản lượng thông qua ở mức 247 triệu TEUS. Thị trường Ấn Độ và Đông Nam Á, trong đó có Singapore, chiếm tổng cộng 19% sản lượng thông qua, tương đương 106 triệu TEU. Điểm mấu chốt ở đây là cần phải tạo ra thêm công suất cảng đáng kể trên các thị trường này nếu chúng muốn đáp ứng sự tăng trưởng trong tương lai.
Thiết kế lại chuỗi cung ứng
Chuỗi cung ứng có tuổi thọ về thiết kế, thông thường ít nhất là 5 - 10 năm sẽ cần được đánh giá và cập nhật liên tục. Tuy nhiên, việc thiết kế lại hoàn toàn hoặc thậm chí là cập nhật không nên được thực hiện một cách sơ sài vì 80% chi phí chuỗi cung ứng sẽ phụ thuộc vào giai đoạn thiết kế. Đây là lý do tại sao việc đưa ra quyết định đúng đắn về thiết kế và vận hành mạng lưới chuỗi cung ứng trong tương lai cần phải liên quan đến việc phân tích dữ liệu nghiêm ngặt, sử dụng các quy trình lập kế hoạch trước, thuật toán và công cụ cũng như khả năng tiếp cận các điều kiện thị trường mới nhất.
Ngoài ra, các yếu tố khác cần xem xét bao gồm:
Thời gian thực hiện dịch vụ có thể khác nhau rất nhiều tùy theo ngành và theo các kiểu thiết kế chuỗi cung ứng khác nhau. Chuỗi cung ứng linh hoạt cho phép phản hồi nhanh chóng, trong khi chuỗi cung ứng tinh gọn mang lại khả năng dự đoán với chi phí thấp. Điều quan trọng là phân tích và hiểu hành vi mua hàng của khách hàng bây giờ và tương lai, điều này tác động như thế nào đến môi trường cạnh tranh.
Khoảng cách với các nhà cung cấp là yếu tố cơ bản cần cân nhắc để đạt được tính liên tục trong sản xuất và không vượt quá chi phí đầu vào mục tiêu. Việc chuyển đổi chuỗi cung ứng và rời khỏi hệ sinh thái nhà cung cấp đã được thiết lập mang lại rủi ro đôi khi có thể lớn hơn lợi ích cần được phân tích và thử nghiệm nghiêm ngặt trong giai đoạn thiết kế.
Nguồn lao động sẵn có, chi phí và năng suất thay đổi đáng kể giữa các ngành và khu vực địa lý. Các doanh nghiệp cần xem xét nguồn lao động sẵn và các kỹ năng chính cần thiết. Trong khi sự chuyển đổi liên tục sang tự động hóa, đặc biệt là các giải pháp robot, có thể giảm đáng kể lao động cấp công nhân, nó đồng thời tạo ra nhu cầu về kỹ thuật viên và kỹ sư lành nghề để đảm bảo đạt được hiệu quả và tính liên tục. Nguồn lao động như vậy không phải lúc nào cũng có sẵn ở mọi thị trường.
Độ hiệu quả và đáng tin cậy của vận chuyển cả trong nước và xuyên biên giới là điều tối quan trọng đối với chuỗi cung ứng. Sự trưởng thành và hiệu quả của các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần có thể tác động đến hiệu suất tổng thể của chuỗi cung ứng về cả dịch vụ và chi phí. Như đã nhấn mạnh ở trên, tắc nghẽn tại các cảng là yếu tố then chốt quyết định tính liên tục trong việc cung cấp nguyên liệu thô và vận chuyển hàng hóa.
Các biện pháp giảm thiểu carbon nên được đưa vào thiết kế chuỗi cung ứng ở tất cả giai đoạn do tính chất lâu dài của các quyết định được đưa ra. Làm như vậy sẽ giúp đảm bảo các công ty có thể đáp ứng các mục tiêu bền vững trong tương lai mà người tiêu dùng, nhà đầu tư và các bên liên quan yêu cầu.
Thuế và phí khác nhau rất nhiều giữa các thị trường và có thể ảnh hưởng đáng kể đến tổng chi phí cung cấp. Việc giảm thiểu thuế và phí thường có thể dẫn đến cấu trúc phức tạp, dòng sản phẩm và giao dịch có thể ảnh hưởng đến hiệu quả và thời gian giao hàng của chuỗi cung ứng.
Riêng về Việt Nam, là nước được hưởng lợi chính từ các chiến lược sản xuất của “Trung Quốc+” nhờ khoảng cách địa lý và khả năng kết nối khu vực/toàn cầu rộng hơn. Ngoài vị trí chiến lược, Việt Nam còn có lợi thế về chi phí lao động thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc.
Lợi ích còn đến từ sự kết hợp cân bằng giữa sản xuất có giá trị cao như điện tử và sản xuất có giá trị thấp như may mặc, giày dép và thực phẩm. Ngành sản xuất có giá trị cao dự kiến sẽ tăng trưởng, với việc chính phủ muốn tăng tỷ trọng sản xuất trong nền kinh tế từ 25% lên 30% vào năm 2030 bằng cách thu hút thêm đầu tư vào ngành này.
Việt Nam có dư địa để đáp ứng sự tăng trưởng đó nhờ sự tập trung mạnh mẽ vào sản xuất điện tử ở miền Bắc Việt Nam (Hà Nội, Hải Phòng), miền Nam Việt Nam (TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai) có sự kết hợp giữa thực phẩm, hàng tiêu dùng và điện tử.
Hà Lễ