Để thu hút các 'đại bàng' chất lượng cao

Vietstock - Để thu hút các 'đại bàng' chất lượng cao

Thời gian gần đây, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã chọn Việt Nam là điểm đến đặt các trung tâm nghiên cứu và phát triển ở cấp độ toàn cầu nhằm mục tiêu đưa ra những sản phẩm công nghệ cao tiên tiến nhất thế giới.

Việc nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã chọn Việt Nam là điểm đến đặt các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ đem đến tăng trưởng kinh tế, nâng cao vị thế của đất nước trong nền kinh tế toàn cầu. Những trung tâm R&D không chỉ nêu bật tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong ngành công nghệ toàn cầu mà còn thúc đẩy nền kinh tế địa phương thông qua tạo việc làm và đổi mới công nghệ.

Không phải tự nhiên các tập đoàn đa quốc gia có bước đi quan trọng này. Việt Nam đang nổi lên với một vị thế là nền kinh tế đang phát triển, có chính sách thuận lợi cho kinh doanh cũng như đổi mới sáng tạo. Việt Nam cũng có tầm nhìn, chính sách đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực công nghệ cao, tạo ra điểm nhấn quan trọng cho việc thu hút các ông lớn từ điện tử cho đến vi mạch.

Tuy nhiên, Việt Nam cần thu hẹp khoảng cách, có bài toán đầu tư chiến lược để có thể thành công trong việc trở trung tâm R&D cấp độ toàn cầu.

Hiện nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là rào cản để Việt Nam hấp dẫn các FDI chất lượng cao cũng như các trung tâm R&D. Chính sách thu hút nhân tài của Việt Nam chưa thực sự hiệu quả, chưa có những chính sách ưu đãi cụ thể để thu hút nhân tài trong và ngoài nước.

Do đó, Việt Nam cần tập trung đầu tư đào tạo trong các lĩnh vực công nghệ, khoa học và toán học. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ thông qua các thỏa thuận cấp phép, liên doanh và các chương trình ươm tạo công nghệ. Điều này giúp đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trong các ngành công nghiệp địa phương.

Đặc biệt, Chính phủ cần đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, như Internet tốc độ cao, nguồn điện ổn định và mạng lưới giao thông thông suốt để hỗ trợ nhu cầu của các ngành công nghệ cao và hoạt động R&D.

Bằng cách thực hiện các chiến lược này, Việt Nam có thể tận dụng sự hiện diện của các trung tâm R&D nhằm xây dựng một hệ sinh thái công nghệ cao thịnh vượng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khẳng định mình là quốc gia dẫn đầu về đổi mới trong khu vực.

Nói cách khác, Việt Nam có thể vượt xa từ một công xưởng gia công để chuyển mình trở thành một trung tâm sôi động về R&D và đổi mới toàn cầu hay không phụ thuộc vào sự sẵn sàng đầu tư vào tương lai của Việt Nam.

PHƯƠNG MINH