TP HỒ CHÍ MINH: Đẩy mạnh giải ngân vốn công, giữ đà tăng trưởng

Vietstock - TP HỒ CHÍ MINH: Đẩy mạnh giải ngân vốn công, giữ đà tăng trưởng

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận tăng trưởng GRDP quý III/2023 của thành phố hơn 6,7% là rất đáng mừng nhưng còn nhiều khó khăn phải vượt qua để đạt kết quả cao hơn

UBND TP HCM ngày 28-9 tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và giải pháp, nhiệm vụ các tháng cuối năm 2023. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ cùng lãnh đạo UBND TP HCM chủ trì phiên họp.

Nhiều tín hiệu tích cực

Báo cáo của UBND TP HCM cho thấy tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III/2023 ước đạt 6,71%. Tính chung cả 9 tháng năm 2023, GRDP tăng 4,57% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu trong lĩnh vực du lịch 9 tháng ước đạt 125.463 tỉ đồng, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 4,5% so với kế hoạch năm 2023. Có 860 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký với tổng vốn 406,14 triệu USD, tăng 51,7% về số dự án và tăng 16,7% về số vốn so với cùng kỳ.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, năm 2023, thành phố được Thủ tướng giao kế hoạch vốn đầu tư công 70.518 tỉ đồng. Số vốn TP HCM thực hiện điều chỉnh, bổ sung giao là 68.490 tỉ đồng. Tính đến nay, thành phố giải ngân được 20.523 tỉ đồng, đạt 30%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 10.235 tỉ đồng.

Thông tin về giải ngân vốn đầu tư công các dự án bồi thường, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết có 271 dự án với hơn 26.800 tỉ đồng, gồm 116 dự án được chuyển tiếp từ năm 2022 và 155 dự án năm 2023. Đến nay, đã giải ngân trên 11.600 tỉ đồng, đạt 43%. Mục tiêu giải ngân 95% vào cuối năm nay là bài toán khó. "116 dự án chuyển tiếp với khoảng 5.600 tỉ đồng có khả năng hoàn thành vì không còn vướng mắc. Riêng số vốn bố trí năm 2023 cho 155 dự án là hơn 21.000 tỉ đồng thì giải ngân mới đạt 36%" - ông Nguyễn Toàn Thắng cho hay.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP HCM, nhận xét các số liệu thể hiện tín hiệu tích cực của kinh tế thành phố, trong đó khu vực dịch vụ vẫn là trụ cột tăng trưởng. Bên cạnh đó, số lượng dự án đầu tư nước ngoài tăng cũng thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế TP HCM. Tuy nhiên, để GRDP cả năm đạt 7,5% thì quý IV/2023 phải tăng trưởng 15%.

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố dù đạt kết quả nhất định nhưng chậm so với kế hoạch và có dấu hiệu chững lại. Để đạt mục tiêu giải ngân năm 2023 là 95%, áp lực trong quý IV/2023 là rất lớn. Cần có giải pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để góp sức vào tăng trưởng trong quý cuối năm 2023 và tạo tiền đề cho năm 2024.

Theo TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, có khả năng GRDP của TP HCM năm nay không đạt 7,5%. Thành phố phải tập trung "tiêu hóa" hết vốn đầu tư công, kích thích tiêu dùng. Đồng thời, cần tập trung thực hiện các nội dung quan trọng của Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM bởi vì đây là tiền đề quan trọng để tạo đột phá trong thời gian tới.

TP HCM cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, giải quyết vấn đề đất đai

Tập trung nhiều giải pháp

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho rằng việc thành phố khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng 7,5% là điều cần suy nghĩ. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công chưa có chuyển biến rõ nét, áp lực trong những tháng cuối năm rất lớn. Trước thực tế này, Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh phải nỗ lực nhiều hơn nữa để doanh nghiệp (DN) giữ được thị trường hiện có, tránh "đứt gãy" chuỗi cung ứng, đồng thời tìm cách mở rộng thị trường mới - đặc biệt là thị trường Mỹ, Canada; ưu tiên thúc đẩy thị trường trong nước theo tiêu chí quốc tế như là một bước tập dợt để chuẩn bị cho những mục tiêu dài hơi, vươn xa hơn.

Ông Võ Văn Hoan đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung hoàn tất các công việc trong năm 2023. Trong đó, tập trung các giải pháp tháo gỡ đối với 2 nhóm dự án đầu tư công là dự án giải phóng mặt bằng và dự án quy mô lớn, liên vùng. "Tập trung cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng bởi đây là khâu rất quan trọng. Năm nay giải phóng mặt bằng được thì năm sau mới có dự án, năm nay trì trệ thì năm sau có bố trí vốn cũng không giải quyết được" - ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương và đơn vị tự soi và tự sửa, cần thiết thì thay đổi phương pháp và cách làm, phân công lại người trực tiếp điều hành, đặc biệt là những người trực tiếp quản lý dự án đầu tư. Một giải pháp quan trọng khác là thành phố cần xây dựng bộ tiêu chí ưu tiên bố trí vốn đầu tư công để tránh dàn trải. "Trong tháng 10-2023, TP HCM sẽ tổ chức hội nghị thúc đẩy đầu tư trên địa bàn thành phố, bao gồm đầu tư công, đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài" - Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan thông tin.

Liên quan giải pháp hỗ trợ DN, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đề nghị các đơn vị triển khai ngay các giải pháp mà HĐND TP HCM đã thông qua, đặc biệt là kích cầu đầu tư. TP HCM sẽ tổ chức cuộc đối thoại giữa cộng đồng DN với chính quyền thành phố để lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, qua đó hình thành chính sách chung áp dụng trên địa bàn thành phố và khái quát hóa thành quy định để giải quyết cho tình huống tương tự sau này. Ngoài ra, TP HCM cũng sẽ hỗ trợ DN mở rộng thị trường trong nước thông qua liên kết vùng; tổ chức hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại giữa TP HCM và các tỉnh, thành phố.

Lãnh đạo TP HCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các quận, huyện và các cơ quan của thành phố tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá kết quả tổ chức kết nối giữa ngân hàng và DN, đặc biệt là nội dung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn, tín dụng. Qua đó, xác định nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc để tìm giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ DN hấp thụ vốn.

Về phía DN, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, cho rằng hiện nay lãi suất vay ngân hàng thấp nhưng DN không hấp thụ vốn vì ngại mở rộng kinh doanh. Nguyên nhân bởi mở rộng sản xuất sẽ phải đụng tới vấn đề đất đai trong khi nguồn lực đất đai chưa được khơi thông. Vì vậy, thành phố cần kích hoạt nguồn lực đất đai, xác định giá đất để DN mạnh dạn đầu tư.

Tăng cường giám sát thực hiện chính sách mới

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận tăng trưởng GRDP quý III/2023 đạt hơn 6,7% là rất đáng mừng. Tuy nhiên, báo cáo kinh tế - xã hội cho thấy TP HCM vẫn còn nhiều khó khăn ở các lĩnh vực. Do đó, từng lĩnh vực phải có giải pháp trọng tâm, giải pháp trong trung hạn, dài hạn và trước mắt để đạt kết quả cao hơn. Đặc biệt, Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đất đai.

Nhấn mạnh việc TP HCM cùng lúc thực hiện khối lượng công việc lớn, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng cần có biện pháp đề phòng rủi ro, tăng cường kiểm tra, giám sát khi thực hiện chính sách mới. "Chúng ta quyết tâm thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, làm hiệu quả nhất, xứng đáng niềm tin và xứng đáng với chính mình. Qua đó, cố gắng đạt tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, càng nhiều càng tốt. Cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa, đoàn kết, thống nhất, chung sức, chung lòng, phát huy sức mạnh tổng hợp triển khai các giải pháp của 3 tháng còn lại. Cần tập trung cao độ, mỗi người, mỗi tổ chức phải suy nghĩ làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ năm 2023" - Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy TP HCM lưu ý tìm giải pháp khắc phục khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng cuối năm 2023 và chuẩn bị cho năm sau. Bên cạnh đó, thành phố sẽ làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, địa phương, đơn vị trong giải ngân vốn đầu tư công để xử lý nghiêm. Thời gian qua, thành phố có nhiều văn bản chỉ đạo, nhắc nhở, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra dự án nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư công chuyển biến chưa như mong muốn. 

Nghiên cứu khen thưởng người phát hiện tiêu cực

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhắc lại câu chuyện từ thông tin của DN, quần chúng mà Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã vào cuộc kiểm tra dấu hiệu và xử lý vi phạm đối với một phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức. Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết sắp tới, TP HCM sẽ nghiên cứu quy định khuyến khích, có cơ chế thù lao, khen thưởng cho người phát hiện hành vi tiêu cực, thiếu trách nhiệm trong hệ thống chính trị.

Bài và ảnh: QUỐC ANH