Ngân hàng tích cực hỗ trợ tín dụng cho nhiều dự án đầu tư
Chiều 4/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng-doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tài chính Ngân hàngNgân hàng tích cực hỗ trợ tín dụng cho nhiều dự án đầu tưHuy Thắng • {Ngày xuất bản}Chiều 4/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng-doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: VGP/Huy Thắng
9 tháng tín dụng tăng trưởng 6,92%
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nhằm đẩy mạnh kết nối, trao đổi, nắm bắt khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp (DN) trong tiếp cận tín dụng ở nhiều cấp độ, NHNN đã tổ chức 11 Hội nghị, cuộc họp chuyên đề bàn về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực (BĐS, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), hợp tác xã, lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản, lúa gạo) và nhiều Hội nghị kết nối ngân hàng-DN.
Lãnh đạo NHNN cho rằng: Mặc dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của TCTD, song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các DN trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Trong đó, các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn. Các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm DNNVV; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm BĐS; sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của DN khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...)
Trao đổi thẳng thắn ngân hàng-DN
Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên-Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Thái Hưng đánh giá cao việc NHNN đẩy mạnh tần suất tiếp xúc, trao đổi ngân hàng, DN cũng như chỉ đạo hạ lãi suất 4 lần để tháo gỡ khó khăn cho DN."Chưa bao giờ DN được Chính phủ, NHNN sẵn sàng chia sẻ nhiều như thời điểm hiện tại, đặc biệt, điều này có ý nghĩa với các DN xuất nhập khẩu (XNK). Trước đây, DN XNK thường xuyên mua LC (thư tín dụng) trả chậm vì vốn nước ngoài rẻ, thanh toán chậm 6 tháng cộng biên độ 1% nhưng giờ thì ngược lại DN lựa chọn thanh toán LC trả ngay vì đang được hưởng chính sách tốt", bà Nguyễn Thị Vinh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Vinh dẫn ví dụ về trường hợp DN FDI lớn vào Thái Nguyên hợp tác và có kế hoạch vay vốn cả của các ngân hàng nước ngoài nhưng cuối cùng Ngân hàng BIDV (HM:BID) Thái Nguyên với các chính sách lãi suất và phương thức thanh toán hợp lý đã cạnh tranh sòng phẳng, giành ưu thế với các ngân hàng quốc tế trong thương vụ này và trở thành ngân hàng cung cấp vốn hàng chục triệu USD vốn cho dự án.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Vinh cũng thẳng thắn cho rằng, tình hình DN còn rất khó khăn. Việc giảm lãi suất cho vay vẫn còn quá chậm so với việc giảm lãi suất huy động. Theo tính toán từ phía DN này, lãi suất huy động đã giảm 2% nhưng mà lãi suất cho vay thì mới giảm từ 0,5%-1%, khi bà Vinh trao đổi về vấn đề này thì "ngân hàng tại địa phương có phản hồi là giảm 1% là nhiều vì ngân hàng cũng khó khăn".
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà: Ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế - Ảnh: VGP/Huy Thắng
Có trường hợp một DN khác được một ngân hàng thương mại khuyến khích thanh toán khoản nợ cũ để tiếp tục vay mới thuận lợi hơn nhưng sau khi DN tất toán nợ, làm hồ sơ vay mới lại được phản hồi do Hội sở chính không đồng ý, khiến DN gặp khó. Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên đề nghị, cần tăng cường sự bình đẳng tiếp cận vốn cho các DN, đặc biệt DNVVN. DN cần nhất sự ổn định, do đó, cần duy trì chính sách lãi suất thấp ổn định, lâu dài. Đặc biệt, NHNN cần có sự kiểm tra giám sát, đặc biệt đối với các NHTM cổ phần tư nhân, bảo đảm các Nghị định, Thông tư cũng như các chủ trương phải thật sự đi vào thực tiễn, rút ngắn biên độ thực thi.
Ông Trần Hữu Hùng, Kế toán trưởng Công ty cổ phần DONG WHA Việt Nam (DN có 100% vốn đầu tư nước ngoài) đánh giá cao sự hỗ trợ của các ngân hàng Vietcombank (HM:VCB), BIDV... đưa ra các gói giải pháp tín dụng linh hoạt từng thời điểm. Tuy nhiên, bối cảnh toàn cầu hiện nay nhiều DN gặp khó khăn về đơn hàng.
Đại diện DONG WHA cho biết, đang làm việc với các NHTM kích hoạt các khoản vay vốn lưu động khoảng 500 tỷ đồng để mở rộng đầu tư lên tới 500 triệu USD tại Thái Nguyên. Do nhu cầu vay trung dài hạn thời gian tới khá lớn, đại diện DONG WHA Việt Nam kỳ vọng NHNN và các ngân hàng thương mại có chính sách cơ chế lãi suất, thủ tục hồ sơ, DN tiếp cận vốn thuận lợi, giảm áp lực lãi vay.
Sau khi lắng nghe các ý kiến phản ánh, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu...; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023.
NHNN sẽ đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng-DN nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, DN...
"Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, DN, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế. Với những giải pháp của ngành ngân hàng và sự phối hợp của lãnh đạo địa phương, các Hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, DN trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước trong thời gian tới", ông Phạm Thanh Hà kỳ vọng.