Việt Nam hấp dẫn giới đầu tư công nghệ cao quốc tế
Vietstock - Việt Nam hấp dẫn giới đầu tư công nghệ cao quốc tế
Việt Nam đang nỗ lực chuyển hướng từ các ngành sử dụng nhiều lao động truyền thống như dệt may, lắp ráp điện tử sang các ngành công nghệ cao.
Nhờ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế… Việt Nam đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư công nghệ cao quốc tế.
Sức hấp dẫn
Mới đây ngày 19-10, ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, xác nhận Tập đoàn Foxlink International Investment Ltd của Đài Loan sẽ đầu tư dự án trị giá 135 triệu USD vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Đây là dự án sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao, gồm chế tạo bút cảm ứng, tai nghe không dây, bộ pin, trạm sạc và mạch in điện tử. Khi dự án này đi vào hoạt động, dự kiến sẽ tạo việc làm cho khoảng 2.000 người lao động tại Đà Nẵng và các địa phương lân cận.
Trước đó Hana Micron, nhà sản xuất chip hàng đầu của Hàn Quốc khẳng định sẽ đầu tư 1 tỉ USD xây dựng nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam và đây là cơ sở kinh doanh quan trọng nhất của tập đoàn. Khoản đầu tư của Hana Micron được kỳ vọng sẽ mang lại động lực đáng kể cho ngành bán dẫn đang phát triển của Việt Nam.
Nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư. Ảnh: PM
|
Động thái mới nhất của nhà sản xuất chip Hàn Quốc đang hòa chung làn sóng đầu tư của nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới vào Việt Nam. Chẳng hạn FPT (HM:FPT) Software đã công bố kế hoạch hợp tác chiến lược với công ty khởi nghiệp Landing AI của Mỹ.
Tại buổi gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vừa diễn ra, ông Phùng Việt Thắng, đại diện Intel (NASDAQ:INTC) Việt Nam, cho biết: Thời gian qua, Intel Việt Nam được đánh giá là cơ sở thành công nhất của Intel trên toàn cầu.
“Intel Việt Nam không tự coi mình là nhà đầu tư đã đầu tư tại Việt Nam mà chúng tôi luôn chứng minh mình là nhà đầu tư tiềm năng tiếp theo tại Việt Nam. Chúng tôi luôn tự đổi mới và nghiên cứu đầu tư thêm công nghệ mới” - ông Thắng nhấn mạnh.
Tuy vậy, ông cũng nêu một số vấn đề lớn rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành. Đầu tiên là nguồn nhân lực của ngành bán dẫn, bởi vấn đề nhân lực này không chỉ nằm ở năng lực của người kỹ sư, người lao động mà còn cần cả một chính sách liên quan đến đào tạo nguồn cung sớm cho ngành bán dẫn. Để làm được điều này ông cho rằng cần nhiều sự quyết tâm của các bộ, ngành.
Sẵn sàng rót vốn vào Việt Nam
Ông Don Lam, Tổng Giám đốc VinaCapital, chia sẻ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn nhưng 150 nhà đầu tư từ khắp các nước trên thế giới đến Việt Nam dự hội nghị do đơn vị vừa tổ chức. Điều này cho thấy Việt Nam đang nổi lên là điểm đến đầu tư hấp dẫn trên toàn cầu.
Ông thông tin thêm các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo, đầu tư xanh và đặc biệt là lĩnh vực vi mạch bán dẫn sau khi quan hệ ngoại giao Mỹ và Việt Nam nâng tầm lên đối tác chiến lược toàn diện.
“Điều đặc biệt hơn, các nhà đầu tư này đang quản lý nguồn tiền khổng lồ lên đến 1.000 tỉ USD. Chỉ cần 0,1% số tiền này đổ vào đầu tư sẽ đóng góp một mức tăng trưởng rất tốt cho nền kinh tế Việt Nam” - ông Don Lam chia sẻ.
Theo số liệu công bố mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20-9, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 20,2 tỉ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. |
Ông Trần Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ PVI (HN:PVI) (PVIAM), cũng cho biết các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục lựa chọn Việt Nam là nơi đầu tư kinh doanh và là điểm sáng của khu vực. Hiện dòng vốn đầu tư nước ngoài đã đi vào 18/21 ngành nghề kinh tế của Việt Nam, tuy nhiên Việt Nam đang muốn dòng vốn tập trung vào các ngành nghề khác, đặc biệt là ngành công nghệ cao.
Giữ chân dòng vốn ngoại
TS Hồ Quốc Tuấn, ĐH Bristol (Anh) nhận xét trước đây các nhà đầu tư thường tìm các thị trường rẻ nhất để mở nhà máy sản xuất nhưng hiện nay họ chuyển sang việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đây là lợi thế cho Việt Nam trong việc thu hút được dòng vốn ngoại.
Bên cạnh đó, hiện nay đang nổi lên xu hướng nhà đầu tư đặt nhà máy sản xuất tại các quốc gia bằng hữu (friend-shoring). Nhưng giới đầu tư cũng phải tính toán sự thân thiện phải có sự kéo dài để có thể hợp tác đầu tư dài hạn. Điều này chỉ có thể đạt được dựa trên sự ổn định chính trị và Việt Nam đang có lợi thế lớn về vấn đề này để thu hút các dòng vốn ngoại vào đầu tư dài hạn.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải đánh giá với hệ thống giao dịch chứng khoán mới KRX sẽ được vận hành vào cuối năm nay kỳ vọng đem lại những sản phẩm mới hơn theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, quyết tâm của Chính phủ nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025 sẽ mang lại vị thế mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài lớn hơn nữa.
Tuy vậy, để duy trì động lực tăng trưởng và thu hút nguồn vốn nước ngoài, vị chuyên gia này cho rằng Việt Nam cần tăng sức hấp dẫn bằng cách hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng cho các công ty công nghệ cao. Theo đó, Chính phủ có thể đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo với mục tiêu cung cấp kỹ năng và kiến thức cần thiết cho lực lượng lao động.
“Thủ tục pháp lý nhanh chóng và chính xác cũng là yếu tố giúp thu hút đáng kể nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ có thể hiện thực hóa điều này bằng cách thiết lập các quy tắc và quy định rõ ràng, nhất quán cũng như thực thi chúng một cách công bằng và đồng nhất” - ông Hải nói.
Loại bỏ rào cản để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư Đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) thông tin qua khảo sát cho thấy Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với FDI toàn cầu. Đặc biệt Việt Nam là điểm đến FDI lớn thứ hai của Nhật Bản trong sáu năm liên tiếp. “Đây là những dấu hiệu hết sức tích cực. Phát triển kinh tế của Việt Nam được duy trì hằng năm. Nền kinh tế cũng đang có dấu hiệu tăng trưởng sau vài năm khó khăn. Trong đó, các lĩnh vực như số hóa, công nghệ thông tin rất vững chắc” - vị đại diện JETRO phát biểu. Đại diện JETRO cũng gợi ý Việt Nam cần tập trung vào ngành chế tạo, công nghệ, đổi mới sáng tạo để thịnh vượng hơn. “Chúng ta cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn về giáo dục, y tế, tài chính, cắt bỏ rào cản về luật pháp để tạo ra khuôn khổ mạnh mẽ hơn, thuận lợi hơn cho nhà đầu tư”. |
MINH PHƯƠNG